Một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới

19/07/2024 10:21

Trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, công tác tuyên truyền, vận động là một trong những yếu tố quyết định sự thành công. Triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, vai trò, mục tiêu, nội dung, phương pháp, kết quả thụ hưởng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân tích cực tham gia phong trào. 

Ảnh minh họa: camau.gov.vn

Kết quả thực hiện phong trào giai đoạn 2010 - 2020

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là: “Xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại”.

Ngày 05/8/2008, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa X) ra Nghị quyết số 26-NQ/TW đã nêu một cách toàn diện quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ... 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. Theo đó, vấn đề cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 là: “Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân”.

Kết quả triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 xuống còn khoảng 5,9% năm 2019, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp…

Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn khoảng 38,1% năm 2018; thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng, chiếm 78% tổng thu nhập của hộ nông thôn năm 2019. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng phát triển nhanh chóng, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, cả nước đã có 1.610 sản phẩm OCOP. Nông nghiệp ngày càng hấp dẫn và thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn rót vốn đầu tư.

Chương trình nông thôn mới đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội, với khoảng hơn 2,4 triệu tỷ đồng trong 9 năm (bình quân khoảng 260 ngàn tỷ đồng/năm), trong đó mức huy động xã hội chiếm đến 72,3%, đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng, người dân (công sức, hiến đất…).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương còn có những bất cập, hạn chế, nhất là công tác quản lý nhà nước về thực hiện xây dựng nông thôn mới; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thực hiện phong trào. Nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới không gắn với phát triển bền vững. Các giải pháp thiếu tính đồng bộ trong quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch, xây dựng kế hoạch, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực… đã tạo ra những tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Một số địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chưa chú trọng đến phát triển kinh tế nông thôn. Ở một số địa phương, vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn chưa thực sự được phát huy, do đó, chưa khơi dậy được tinh thần tự nguyện và nguồn lực của Nhân dân.

Một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra... Cùng với đó, hỗ trợ cho các địa phương (huyện, xã) đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để đảm bảo phát triển bền vững. Cần thực hiện một số nội dung:

Một là, quá trình tổ chức thực hiện phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy đảng các cấp, chính quyền địa phương; được chỉ đạo, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Xác định định hướng tuyên truyền, những nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền cả giai đoạn, từng năm.

Hai là, công tác tuyên truyền phải luôn đi trước một bước, tổ chức và vận động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể của hệ thống chính trị, của tất cả các lực lượng, phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động sự tham gia và đóng góp về nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân, cũng như có sự ghi nhận và biểu dương kịp thời đối với những đóng góp của tổ chức và cá nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động để phù hợp với tình hình mới là việc làm cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Nhưng cần có sự đan xen giữa các hình thức với nhau để phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương và không gian, thời gian tuyên truyền, từ đó đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, chất lượng. 

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, theo dõi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thực sự nhạy bén, tinh thông, có chuyên môn, không chỉ tuyên truyền, định hướng dư luận mà còn phản bác lại những thông tin sai trái của các thế lực thù địch.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hình thức, cách thức trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, nâng cao năng lực sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp ở nông thôn; đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa và doanh nhân hóa nông dân, gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư doanh nghiệp. Đẩy mạnh bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng các mô hình nông thôn mới tương lai đặc trưng cho các vùng miền, tộc người, ngành nghề kinh tế.

Năm là, tập trung xây dựng những mô hình nông thôn mới đa dạng, điển hình, tiêu biểu, có tính đặc thù cho các vùng miền, ngành nghề… Lan tỏa mạnh mẽ các điển hình, tiêu biểu. Tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để đảm bảo phát triển bền vững./.

Hoàng Hà

Bình luận

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.vn/nga-my-ha-giau-dep-van-minh-628249.html